Phần 4: Shoka – Kết tinh của sự sống
- Shoka – Kết tinh của sự sống
4.1. Shoka Shofutai
Vào khoảng giữa thế kỷ 17, cùng với Rikka, kiểu cắm hoa Shoka – 生花 (Hoa tươi
– Hoa sống hay một số tài liệu khác còn có cách dịch khác theo nghĩa của hán tự
生 mà ra như Sinh Hoa) cũng bắt đầu phát triển. Soka là kiểu cắm cơ bản cổ điển
thứ 2 của Trường phái Ikenobo, dựa trên ba cành chính (Shin = Người, Soe = Trời
và Tai = Đất) theo thuyết Thiên Địa Nhân. Trải qua hai thế kỷ xuất hiện nghệ thuật
Ikebana, có thể nói Shoka là sự dung hòa tuyệt vời của hai thái cực Rikka và
Nageire. Shoka kế thừa tính uy nghiêm và là sự tối giản của Rikka, kết hợp với
tính tự nhiên của kiểu cắm Nageire. Shoka tuy có quy tắc nghiêm ngặt với các
nhóm cành chính nhưng tinh thần chủ đạo là thiên về tôn trọng đặc trưng tự nhiên
của hoa lá. Với sự kết hợp ba cành cơ bản Shin – Soe – Tai, Shoka mở ra nhiều
không gian trống cho tác phẩm và vẫn duy trì khoảng chân không trên mặt nước
kết thừa của Rikka (phần Mizugiwa) nhưng lại theo tôn chỉ thuận theo tính tự
nhiên về sự sinh trưởng và phát triển của hoa lá nên tạo nên nhiều cảm xúc trong
sự chuyển động của các cành chính.
So với Rikka, kiểu cắm Shoka đơn giản hơn về quy tắc, kỹ thuật cũng như nguyên
liệu, không quá uy nghiêm, bác học, vô thực như Rikka, gần gũi và dễ chạm đến sự
rung cảm của người ngắm vì thế nó mau chóng được mọi tầng lớp yêu thích. Từ
những nghệ nhân đã học ở trường Ikebana Ikenobo họ đã đứng ra tự mở trường
dạy Shoka riêng và dẫn đến việc bùng nổ các trường dạy cắm hoa vào khoảng thế
kỷ 18 (thời kỳ triều đại Edo). Do đó, xuất phát từ Shoka đã có rất nhiều những biến
tấu như thay vì 3 cành chính, có trường phái lại cắm thành 5 cành chính, thay vì
gọi Shoka, có trường phái gọi là Seika… dù vẫn lấy thuyết Thiên – Địa – Nhân và
tôn trọng vẻ đẹp sinh sôi, phát triển của sự sống làm chính.
Năm 1879, lần đầu tiên trong lịch sử, Trường Trung Học nữ sinh Kyoto đã mời
hiệu trưởng của trường Ikebana Ikenobo đến biểu diễn cắm hoa cho các học sinh.
Từ năm 1887, theo chính sách của Bộ Giáo Dục Nhật Bản với mục tiêu đào tạo
nên những người vợ đảm đang và người mẹ chu toàn
, các giờ học Ikebana trở
nên phổ biến trong các trường nữ sinh. Năm 1903 Ikebana đã được đưa vào giảng
dạy trong các trường nữ sinh trung học trên toàn nước Nhật. Đi qua gần 5 thế kỷ,
cùng với biết bao biến cố của các triều đại và sự thay đổi của xã hội, từ thủa sơ
khai bắt nguồn trong giới tăng lữ, rồi mở rộng đến gia đình vua, lãnh chúa, dần đến
giới quý tộc, từ các học trò giới hạn là nam giới và giờ đây là giáo dục phổ cập cho
các nữ sinh trung học. Ikebana hơn bao giờ hết được yêu mến và ngày càng phát
triển rộng rãi với tốc độ nhanh chóng trong xã hội Nhật Bản khi có sự tham gia của
nữ giới.
Ảnh Shoka Sofutai
4.2. Shoka Simputai.
Là một trong hai kiểu Shoka đang thịnh hành của trường Ikebana Ikenobo, đây là
kiểu Shoka mới (新風体) kế thừa phần Mizugiwa (phần chân gốc tác phẩm) của
Shoka cổ điển (Shoka Shofutai) nhưng nhấn mạnh vẻ đẹp khoảnh khắc của sự sống
trong nhịp đập của sự vận động, phát triển không ngừng nghỉ. Shoka Simputai kết
hợp từ hai nguyên liệu chính đóng vai trò là Shu và Yo, thêm nguyên liệu thứ 3
được gọi là Ashirai để cần bằng và dung hòa tác phẩm.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản với vết thương nặng nề của chiến tranh
dốc tàn lực vào công cuộc khôi phục đất nước. Thập kỷ 50 -70 của thế kỷ trước thế
giới chứng kiến sự phát triển thần kỳ của một nước Nhật về thành quả kinh tế. Và
đương nhiên, kéo theo đó cũng là sự thay đổi về mặt đời sống xã hội. Ikebana cũng
không thể nằm ngoài vòng quay của sự phát triển. Lối sống công nghiệp hóa đã
khiến cho diện tích nhà ở bị thu hẹp hơn khiến không gian trống bị giảm đi, nhịp
sống gấp gáp hơn cùng với những thú tiêu khiển là sản phẩm của nền công nghiệp
khiến cho thời gian dành cho nhu cầu giải trí truyền thống cũng bị cạnh tranh
nghiêm trọng… Đứng trước sự chuyển biến mạnh mẽ của xã hội, nghệ thuật
Ikebana cũng có những bước chuyển mình để bắt kịp với nhịp sống hiện đại và
Shoka Simputai đã ra đời năm 1977 bởi truyền nhân đời thứ 45 của dòng họ
Ikenobo, hiệu trưởng Ikenobo Sen’ei.
Bỏ đi thuyết Thiên – Địa – Nhân trong Shoka cổ điển với ba cành chính Shin – Soe
– Tai nên tính qui ước về vị trí đặt bình hoa (Shoka cổ điển vốn được mặc định đặt
trong Tokonoma và có những qui tắc gắn liền giữa việc trang trí bình hoa theo
hướng nào cho phù hợp với cấu trúc của Tokonoma) không còn. Có thể đặt bình
Shoka Simputai ở bất cứ nơi nào theo ý chí chủ quan của người sáng tạo trong
những không gian hiện đại thỏa mãn quan điểm thẩm mỹ hay nhu cầu thư giãn cho
người ngắm. Shoka Simputai đơn giản hơn về việc kết hợp nguyên liệu và không
có một khuôn mẫu nào cho vị trí, đường nét hay sự chuyển động của các cành. Đó
là sự kết hợp các đặc tính tự nhiên của bản thể nguyên liệu có với nhau tạo nên một
tổng hòa về nét đẹp hiện hữu trong khoảng khắc nhất thời, khoảnh khắc của sự gặp
gỡ, giao thoa. Ở đây, có thể nhìn thấy dấu ấn phật giáo trong quan điểm thẩm mỹ
với việc đề cao vẻ đẹp khoảnh khắc hiện tại trong sự thay đổi liên tục của tạo vật
Ảnh Shoka Simputai