Phần 7: Jiyuuka – Tự do
Sau sự hình thành của kiểu cắm Moribana không lâu, khoảng những thập kỷ đầu
của thế kỷ 20 xuất hiện rất nhiều trường phái cắm hoa với các kiểu cắm hiện đại do
ảnh hưởng từ tư tưởng của kiểu cắm này. Điển hình phải kể đến sự ra đời của
trường Sogestu do nghệ nhân Sofu Teshigahara thành lập năm 1927, trường phái
tiên phong cho kiểu cắm Jiyuka hay Free style (kiểu cắm Tự do). Đây là kiểu cắm
khá phổ biến và được ưa thích hiện nay bởi đặc tính TỰ DO (Với bất kỳ nguyên
liệu gì, có thể là từ thiên nhiên hay nhân tạo(hoa, lá, cành, quả,…tươi hay khô; đều
được) ; và có thể kết hợp với những bình hoa hay thậm chí không phải là bình hoa,
mà là những thứ có thể kết hợp được với các nguyên liệu rất đa dạng mang hơi thở
đời sống hiện đại như giấy báo, kính, cao su, nhựa ép, sắt thép… hay cả những vật
phế thải từ các đồ gia dụng; không gian trưng bày là vô cùng đa dạng, có thể trưng
bày hoa ở mọi nơi, từ nhà ga tàu điện hay trên cả các quầy hàng hóa, cửa nhà, góc
bếp, bàn ăn …
Sau chiến tranh thế giới thứ II, sự chuyển biến mạnh mẽ của xã hội Nhật Bản trong
những con số thống kê về thành quả kinh tế cũng như mặt đời sống xã hội của dân
tộc là thực tế như đã trình bày ở phần viết về Shoka Simputai. Ảnh hưởng của xã
hội luôn tạo nên những chuyển mình trong văn hóa. Manh nha từ đầu thế kỷ 20, và
đặc biệt sau cú vấp ngã của chiến tranh thế giới thứ II, kiểu cắm tự do càng trở nên
thịnh hành hơn bao giờ hết. Với thẩm mỹ quan tinh tế, nhạy cảm được hun đúc từ
bao thế kỷ của một dân tộc sống luôn phải sống chung với thiên tai như động đất,
núi lửa, sạt lở đất…, sự tỉ mỉ, thuần phác vốn có của những con người sinh sống ở
một quốc đảo được bao quanh là biển và trải qua thời gian dài trong sự bế quan tỏa
cảng, một dân tộc mà việc tuân thủ qui tắc luật lệ không chỉ dừng lại ở ý thức hay
trình độ văn hóa nữa mà là đạo đức, là đức tin của lòng người… và giờ đây, là 1
trong 3 trung tâm của khoa học, kỹ thuật của thế giới trong vòng 2-3 thập kỷ ngắn
ngủi. Tự thân sự phát triển của xã hội sẽ đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo trong vỏ bọc
của những nội dung xưa cũ ở rất nhiều lĩnh vực, và Ikebana cũng không nằm ngoài
qui luật đó. Nhịp thở của xã hội hiện đại như ống nhựa, dây thép, kính, gương…,
dụng cụ sinh hoạt hàng ngày đã thổi hồn cho các tác phẩm Free Style trở nên vô
cùng năng động và phong phú đa dạng. Những phối cảnh cỡ lớn cùng với các tác
phẩm nghệ thuật của lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, sắp đặt… được kết hợp và hòa
trộn mang nét đẹp của nghệ thuật trình diễn với sân khấu lớn là các đại sảnh hay
hội trường của những khu trung tâm mua sắm, các điểm văn hóa hoặc thậm chí mở
rộng ra những công viên ngoài trời với các vật liệu nhân tạo là chủ yếu.
Đều có tên gọi chung là Free Style hay kiểu cắm hoa hiện đại, đều thống nhất ở
điểm phá bỏ những qui tắc định sẵn, không giới hạn sáng tạo nào được đề cập, dấu
ấn cá nhân được ngợi ca… Hiện nay, con số các trường dạy cắm hoa theo nghệ
thuật Ikebana lên đến con số hàng ngàn ở Nhật Bản. Tại hầu hết các trường đều có
kiểu cắm tự do này bên cạnh những kiểu cắm đặc trưng của mỗi trương phái. Tuy
nhiên, trong những cuộc triển lãm Ikebana, người xem vẫn có thể nhận ra nét đẹp
đặc trưng riêng biệt của những tác phẩm thuộc các trường phái khác nhau dù cho
cùng là Free Style.
Theo Ikebana cơ bản – Nghệ thuật cắm hoa của người Nhật Bản của tác giả
Nguyễn Thanh Tú.