Phần 6: Moribana – sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại
Vào thời kỳ Edo ( 1603 – 1868) và thời đại Meiji (1868 – 1912), xã hội Nhật Bản
có nhiều thay đổi, cải cách mạnh mẽ với sự du nhập của văn hóa phương tây. Đời
sống người dân có nhiều thay đổi cả về tiến bộ vật chất cũng như tư tưởng khai
phóng mong muốn hướng ra khỏi những quy tắc nghiêm ngặt của xã hội phong
kiến. Vì vậy, Ikebana trên con đường phát triển cũng có những trăn trở và tìm tòi
để chuyển hướng cho phù hợp với nếp sống mới của xã hội đang dần hội nhập hóa.
Kết quả của sự nỗ lực đó là một kiểu cắm hoa mới Moribana (盛花-chứa (phủ) đầy
hoa ) đã ra đời bởi Unshin Ohara. Năm 1897 triển lãm đầu tiên về kiểu cắm hoa
Moribana được giới thiệu đến công chúng. Năm 1912 trường dạy cắm hoa Ikebana
Ohara được thành lập bởi người sáng lập Unshin Ohara. Cùng với Ikenobo,
Sogestu, Ohara hiện nay là 1 trong 3 trường dạy cắm hoa lớn nhất Nhật Bản.
Moribana là kiểu cắm hoa nhấn mạnh sự hài hòa về màu sắc của các cành chính, sử
dụng nhiều loại hoa du nhập từ phương tây, cắm hoa trong chậu cắm (bình) có độ
rộng lớn và chiều cao thấp gọi là Suiban. Kiểu cắm này cho phép người cắm phát
huy sức sáng tạo của mình để tạo nên vẻ đẹp rất hiện đại và tràn đầy sức sống với
những loại hoa ấn tượng được du nhập vào Nhật Bản. Mặt khác, Moribana tái tạo
lại vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên trong cuộc sống hàng ngày như một bờ ao,
mảnh vườn, khu rừng… bằng việc sử dụng rất đa dạng các loại hoa cỏ, cành lá có ở
môi trường gần gũi với đời sống con người. Kiểu dáng cắm của Moribana không
những phù hợp với phòng khách truyền thống có Tokonoma cổ điển mà còn phù
hợp với cả những không gian sống hiện đại như nhà chung cư, công sở hay các nơi
công cộng như nhà hàng, siêu thị, khu vui chơi… Chính vì những đặc tính tự do
trong sáng tạo, đa dạng và tiện lợi về nguyên liệu, linh động với không gian bài trí
nên Moribana chính là kiểu cắm tiên phong, mở đường, và ảnh hưởng rất nhiều
đến các trường phái cắm hoa hiện đại sau này.
Kiểu cắm Moribana đặc trưng của trường Ikebana Ohara thì có rất nhiều biến thể
với các kỹ thuật và qui định khá chặt chẽ nếu cắm theo phương pháp truyền thống
kế thừa các qui định từ kiểu cắm cổ điển như Shoka và Rikka. (Unshin Ohara –
người sáng lập ra trường Ohara – là học trò ưu tú của trường Ikebana Ikenobo
trước khi đứng ra lập trường riêng). Song song với sự kế thừa truyền thống đó,
kiểu cắm Moribana với phương pháp hiện đại lại mang hơi thở thời đại cùng khát
vọng tự do của con người trong xã hội mới thể hiện ở việc sử dụng các nguyên liệu
du nhập, dùng loại bình Suiban hoàn toàn mới, cho phép chủ thể sáng tạo phát huy
ý tưởng của mình một cách triệt để trong việc sử dụng nguyên liệu, sắp xếp bố cục
khoáng đạt và màu sức tươi mới đầy sức sống …. Xét về tính lịch sử của Ikebana,
kiểu cắm Moribana là ngưỡng cửa giao thoa giữa nét truyền thống cổ xưa với nét
tươi mới của xã hội cận hiện đại trên con đường đưa Nhật Bản thành một cường
quốc kinh tế.
Nét gần gũi trong việc tái hiện những cảnh vật trong thế giới tự nhiên của kiểu cắm
Moribana đã nhanh chóng được yêu thích không chỉ với người Nhật, nó đã vượt
qua biên giới Nhật Bản và theo thời gian, hơn 1 thế kỷ trôi qua, Moribana được
toàn thế giới yêu mến đón nhận, phải chăng bởi tính gần gũi, chân thực và phổ biến
“ thấy đâu đó nét thân quen” trong mỗi tác phẩm Moribana. Mỗi nơi Moribana
được yêu mến, chúng ta thấy những hóa thân thật gần gũi trong đời sống nơi đó và
Việt Nam cũng không cưỡng nổi nét quyến rũ và thân thiện của Moribana. Nếu
mọi người để ý, có thể thấy phần lớn những tác phẩm của những người yêu thích
Ikebana Việt Nam (dù tự phát hay được học) ít nhiều mang hơi hướng, đường nét
của kiểu cắm Moribana.