Phần 3: Chabana – sự tĩnh tại

Đến khoảng cuối thế kỷ 16, nghệ thuật cắm hoa theo kiểu Rikka đã phát triển đến
đỉnh cao rực rỡ. Đồng thời với đó là các quy định nghiêm ngặt về kiểu dáng, tư thế
và độ dài ngắn của các cành chính, nguyên liệu dùng cắm cũng như kỹ thuật phức
tạp của nó và kích thước bình hoa đã không thể phù hợp để trưng bày trong những
phòng ở của người dân Nhật nữa. Ngược lại, Nageire lại rất phù hợp với các trà
thất hay các căn phòng sinh hoạt bình thường của người Nhật. Tuy nhiên, xuất hiện
những bình hoa riêng dành trang trí cho các căn phòng nơi diễn ra nghi lễ uống trà
đạo nên có sự phân tách và gọi riêng là Chabana.
Chabana có khởi nguồn và kế thừa sự tối giản, tính tự nhiên của Nageire nhưng
được trà sư Sen no Rikyu phát triển thành kiểu cắm riêng dùng cho trà thất từ cuối
thế kỷ 16. Theo ông, trong những phòng trà nhỏ chỉ nên dùng 1 loại hoa với 1 đến
2 cành là đủ và hoa nên được cắm vào bình giống như cách nó đã từng sống ở
ngoài thiên nhiên. Trải qua thời gian với nhiều trường phái dạy trà khác nhau ra
đời cũng như việc lĩnh hội, thực hành cùng với sự thay đổi của đời sống xã hội,
Chabana hiện nay có thể khái quát ở một số đặc điểm như: Dùng những hoa lá
thuần Nhật Bản và ưa chuộng những hoa lá theo mùa (mùa nào có hoa gì thì dùng
hoa ấy – tôn trọng và đề cao tính tự nhiên); không quá cầu kỳ về mầu sắc hay
đường nét, bố cục mà tính tự nhiên của hoa lá được cho là tối thượng: hoa lá tự

thân như thế nào thì cắm (đặt) vào lọ như thế; không nên dùng nhiều loại hoa cho 1
bình hoa (từ 1 đến 3 loại hoa thường được sử dụng); hoa dùng để trang trí trong
phòng thưởng trà không nên có mùi hương hoặc mùi hương quá mạnh làm lấn át
hay khuấy động không gian thanh tịnh của buổi thưởng trà. Trong không gian rất
gần với thiền của trà đạo, yếu tố khoảng không và sự tối giản như là tôn chỉ, và
bình hoa trang trí trong phòng không thể nào đi ngược lại với điều đó mà phải làm
sao hòa hợp và làm tôn thêm vẻ giản dị, thanh tao ấy.
Trong dòng chảy lịch sử của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, Chabana xuất hiện,
khởi nguồn, có sự kế thừa từ kiểu cắm Nageire, phát huy thêm những yếu tố cần
thiết cho lĩnh vực riêng của nó và tự phân tách ra là một kiểu cắm riêng. Tuy nhiên
Chabana không phải là kiểu cắm chính của các trường phái Ikebana lớn ở Nhật
Bản hiện nay.

Ảnh tác phẩm Chabana