Phần 1: Rikka – Niềm tin Tâm linh

“Ikebana cơ bản – Nghệ thuật cắm hoa của người Nhật Bản”

Tác giả: Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tú.

Rikka – Niềm tin Tâm linh

          Lịch sử phát triển từ kiểu cắm hoa sơ khai Tatehana đến kiểu cắm hoa cơ bản cổ điển nhất Rikka (thuộc trường Ikebana Ikenobo) cũng chính là lịch sử phát triển ban đầu của Ikebana. Từ năm 1462, những bình hoa cắm được gọi là Tatehana nhưng đến những năm cuối thế kỷ 15 sang đầu thế kỷ 16, những bình hoa được cắm đã phát triển thêm một số cành chính (từ 1 đến 3 cành chính đã lên đến 7 cành chính và đến nay là 9 cành chính hoặc hơn thế nữa với những kiểu, thế phức tạp hơn) và được gọi tên là Rikka. Tổng hòa của 9 cành chính này người cắm thể hiện được vẻ uy nghiêm, hùng vĩ của thiên nhiên giống như một bức tranh phong cảnh với non cao xa xa, thác nước, trập trùng đồi núi gần hơn, rồi đến làng mạc và sông nước…Mỗi một cành chính đều có những ẩn dụ được qui định với chức năng riêng của mỗi cành. Trải qua thời gian cùng với tài năng đáng ngưỡng mộ của các nghệ nhân, nghệ thuật cắm hoa Rikka đã thăng hoa đến đỉnh điểm được ghi nhận vào năm 1599, khi người đứng đầu Ikenobo là Senko I cùng với học trò của mình tổ chức cuộc triển lãm 100 tác phẩm cắm hoa Rikka tại đền Daiun in. Theo như tài liệu còn lưu giữ lại thì đã có những đám đông người dân chen lấn xô đẩy bất chấp rào cản giai cấp để được vào xem triển lãm hoa, dù cho lúc đó Rikka chỉ được trang trí trong các Tokonoma lớn của tầng lớp quý tộc và rất ít người dân bình thường được ngắm Rikka. Sự kiện này cho thấy rằng nghệ thuật cắm hoa đã được xã hội Nhật Bản tôn quý bất kể là tầng lớp quý tộc hay những người dân bình thường.

     Cho đến năm 1678 trở về trước, việc cắm hoa chỉ được dạy hạn chế cho các gia đình lãnh chúa, tầng lớp quý tộc được bảo trợ hay các đệ tử trong đền chùa. Nhưng do những biến cố lịch sử cùng với nhu cầu củng cố thêm tổ chức nên năm 1678, dòng họ Ikenobo lần đầu mở sổ ghi danh các học trò như một nghi thức tuyển sinh của trường dạy cắm hoa đầu tiên. Khi đó đối tượng học trò cũng chỉ giới hạn trong tầng lớp quý tộc và là nam giới mà thôi. Những năm về sau, sang đến thế kỷ 18, cùng với sự hưng thịnh của kinh tế và xu hướng phát triển văn hóa, xã hội thời bấy giờ, đối tượng học Ikebana cũng dần được mở rộng sang các bậc thương gia hay các võ sĩ đạo của tầng lớp Samurai. Kể từ đây, đã có rất nhiều bậc nghệ nhân xuất thân từ Ikenobo đã tự tìm lối đi cho riêng mình, mở nên những trường dạy cắm hoa theo trường phái riêng.

     Thể cắm Rikka hiện nay vẫn dùng tối thiểu 9 cành chính với các qui tắc chặt chẽ về vị trí cao thấp, độ dài ngắn, loại nguyên liệu được dùng… và mỗi cành có những chức năng hay ẩn dụ riêng. Rikka xuất phát là những bình hoa dâng cúng, vì vậy mang vẻ đẹp uy nghiêm, trang trọng. Qua bàn tay và tâm hồn người nghệ sĩ thăng hoa, những tác phẩm Rikka luôn mang đến cho người ngắm cảm giác của sự uy nghi đường bệ ẩn chứa vẻ đẹp siêu phàm, lý tưởng. Phải chăng người nghệ nhân muốn gửi gắm mong ước về vẻ đẹp lý tưởng, toàn bích nơi tâm linh dành cho đức tin của mình qua tác phẩm Rikka nếu nhìn nhận từ về nguồn gốc phát triển của kiểu cắm này.

     Rikka là kiểu cắm chỉ có ở trường Ikebana Ikenobo – là trường khởi nguồn của nghệ thuật Ikebana. Năm 1999, truyền nhân thứ 45, người đứng đầu trường phái Ikenobo là Ikenobo Sen’ei đã sáng tạo thêm kiểu cắm Rikka mới (Rikka Shimputai) từ việc kế thừa vẻ đẹp của Rikka cổ điển (Rikka Sofutai) và phát triển thêm những tiêu chuẩn thẩm mỹ mới cho kiểu cắm này. Rikka Simputai mang vẻ đẹp phóng khoáng của hơi thở nhịp sống hiện đại bằng việc phá bỏ những qui tắc về 9 cành chính của Rikka cổ điển với dáng vẻ hoàn toàn mới nhưng vẫn mang trong mình sự uy nghiêm và tính triết lý cao sâu khi tận dụng và tạo ra những không gian đa chiều trong tác phẩm.

Ảnh tp Rikka (…)

Tiếp theo: Phần 2: Nageire hay Heika – hơi thở thiên nhiên

 

 

Mục lục:

Phần 1: Rikka – Niềm tin tâm linh
Phần 2: Nageire hay Heika – hơi thở thiên nhiên
Phần 3: Chabana – sự tĩnh tại
Phần 4: Shoka – Kết tinh của sự sống
Phần 5: Bunjinbana – thăng hoa của tự do trong kiểm soát
Phần 6: Moribana – sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại
Phần 7: Jiyuuka – Tự do